18/9/15

Nhạc sỹ XUÂN TIÊN

Xuân Tiên sinh ngày 28 tháng 1 năm 1921 tại Hà Nội. Năm 6 tuổi, ông bắt đầu học nhạc Trung Quốc với cha và sau này học nhạc phương Tây với người anh cả.[1] Năm lên 10, ông còn được cha thuê người dạy tuồng và nhạc cải lương. Thời gian ban đầu khi còn ở miền Bắc, ông chơi chủ yếu là các loại kèn sáo phương Tây. Cuối năm 1942, ông cùng anh trai là nhạc sĩ Xuân Lôi theo gánh cải lương Tố Như vào miền Nam trình diễn ở Sài Gòn và lục tỉnh. Trong quá trình đi trình diễn nhạc và sinh sống ở nhiều miền, ông đã thu thập được kiến thức về các loại hình nhạc của các miền khác, chủ yếu là miền Trung. Ông còn tìm hiểu về nhạc của Lào và Campuchia.

Năm 1952, cả gia đình ông vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề nhạc cho đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.
Giai đoạn 1944-1975, ông được mời điều khiển nhiều dàn nhạc nổi tiếng từ Bắc vào Nam: Hà Nội (1944-1946), Nam Định (1951-1952) và Sài Gòn (các đài phát thanh gồm Pháp Á, Sài Gòn, Quê Hương, Mẹ Việt Nam; 1952-1975).
Năm 1986, ông được bảo lãnh sang Úc. Mười năm đầu ông sống tại Canberra, sau về ở Cabramatta, ngoại ô Sydney từ đó cho đến nay.
Xuân Tiên có khả năng chơi 25 loại nhạc cụ, cả phương Đông lẫn phương Tây. Ông có thể sử dụng hầu hết các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.
Xuân Tiên còn có tập thơ Trên kiếp hoa được nhà xuất bản Ba Vì, Canada in năm 1997. Xuân Tiên đã sáng tác các bản nhạc có giá trị được nhiều người yêu thích. Xuân Tiên sáng tác từ trước 1945, tức là thuộc lứa nhạc sĩ tiền chiến, với các ca khúc "Chờ một kiếp mai" [chung với Ngọc Bích] và "Trên kiếp hoa" (1939-1942). Ông chủ trương đào sâu vào nhạc Việt, dùng kỹ thuật và nhịp điệu phương Tây nhằm cải tiến và làm giàu nền nhạc của mình.[2] Ông chú trọng giai điệu và thể điệu của bài hát, yêu thích âm hưởng lạc quan yêu đời, ca ngợi quê hương dân tộc và nếu có buồn thì cũng chỉ là chớm buồn. Xuân Tiên cho rằng quan trọng nhất là sáng tác phải "hoàn toàn không giống ai".
Xuân Tiên nhận xét rằng đa số các ca khúc của mình mang âm hưởng miền Bắc và miền Trung, có một số ít là miền Nam ("Cùng một mái nhà", "Khúc nhạc đồng xanh", "Đất Việt"). Bài hát nổi tiếng nhất của ông là "Khúc hát ân tình", được sáng tác sau Hiệp định Genève 1954 trong bối cảnh nhiều người dân miền Bắc di cư vào Nam sinh sống. Bài hát kêu gọi mọi người dù là từ miền nào thì cũng hãy sống thân ái với nhau, đồng thời cũng ngợi ca tình yêu không phân biệt Bắc-Nam. "Hận Đồ Bàn" (ký chung với Lữ Liên) là bài hát mà tác giả đặt mình vào địa vị một người dân Chăm-pa, có nội dung ai oán về sự kiện kinh đô Đồ Bàn của nước Chăm-pa bị binh lực Đại Việt dưới trướng vua Lê Thánh Tông phá hủy vào năm 1471. Đầu thập niên 1970, bài này từng bị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cấm biểu diễn công khai do ông tin rằng bài hát có "tác động siêu nhiên thâm hiểm có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền cộng hòa". Ca sĩ Chế Linh (người Chăm) hát bài này cũng nhân đó mà bị cấm biểu diễn công khai.
Năm 2006, những đóng góp có giá trị của nhạc sĩ Xuân Tiên - cùng với hai nhạc sĩ Thanh Sơn và Nguyễn Ánh 9 - đối với nền tân nhạc Việt Nam được vinh danh trong chương trình Paris By Night 83: Những khúc hát ân tình của Thúy Nga.
Trước đây từng rộ lên vụ việc tranh cãi rằng ai là tác giả của bài hát "Duyên tình". Tuy bài này được ký tên chung là "Xuân Tiên & Y Vân" nhưng theo Xuân Tiên thì toàn bộ nhạc và lời đều của ông.
Việc ký tên chung là do Xuân Tiên nhờ Y Vân bán hộ bài này nhưng nhà xuất bản yêu cầu phải ký tên chung để Y Vân lĩnh tiền về. Do là bạn bè với Y Vân nên Xuân Tiên đồng ý. Riêng về phía gia đình Y Vân, nhạc sĩ Y Vũ (em Y Vân) khẳng định "'Duyên tình' là tác phẩm do Xuân Tiên và Y Vân viết chung. Hai ông không chỉ là đồng tác giả của 'Duyên tình' mà còn viết chung 'Về dưới mái nhà'." Bà Trần Thị Minh Lâm (vợ Y Vân) cho hay rằng trong nhà bà, "ai cũng biết đó là nhạc phẩm của Y Vân" và sau khi nhạc sĩ Y Vân qua đời, "nhiều hãng băng đĩa đã phát hành bản nhạc này và họ cũng chỉ ghi một tên tác giả là Y Vân." Nhà bà không có bản gốc của bài "Duyên tình" nên không rõ liệu có tác giả thứ hai hay không, nhưng sau khi tham vấn nhạc sĩ Thanh Sơn và ca sĩ Ngọc Cẩm [vợ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết] thì nhà bà được biết bài này là của Y Vân. Vợ Y Vân cho phóng viên báo Thanh Niên của Việt Nam xem danh sách 92 ca khúc Y Vân do Cục Bản quyền Việt Nam cấp tại Hà Nội ngày 30 tháng 9 năm 1995, trong đó ghi "Duyên tình" là của Y Vân, còn "Về dưới mái nhà" và "Đường đi lối về" là sáng tác chung với Xuân Tiên. Sau khi tờ Thanh Niên đăng tải bài báo này, có độc giả đã mang bản nhạc được cho là bản gốc tới tòa soạn, trong đó ghi bài "Duyên tình" là "nhạc Xuân Tiên, lời Y Vân".
Chờ anh bên đồi
Chờ anh em nhé (Xuân Tiên & Nhật Bằng)
Chờ một kiếp mai (Ngọc Bích & Xuân Tiên)
Cung sầu
Cùng một mái nhà
Dâng nắng
Duyên tình (Xuân Tiên & Y Vân)
Đất Việt
Đêm trăng mơ
Đón mùa xuân mới
Đường đi lối về (Xuân Tiên & Y Vân)
Đường lên non
Giọt lệ sông Hương
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên & Lữ Liên)
Hoài vọng
Hồn tha hương
Lòng người xa quê
Lửa ấm
Lửa rừng (nhạc Xuân Tiên, lời Thanh Nam)
Khói mây
Khúc hát ân tình (nhạc Xuân Tiên, lời Song Hương)
Khúc hoan ca
Khúc nhạc đồng xanh
Mây chiều
Mong chờ
Mộng vàng
Mơ bóng người xưa
Mùa lá vàng
Ngát hương thanh bình
Ngày đầu năm
Ngõ xưa
Nguồn sống bao la
Nhắn mây
Nhịp sống vui
Những người tôi thương
Sầu thu
Tiếng bình minh
Tiếng hát đường xa
Tiếng hát trong sương
Tiếng trống trong rừng sâu
Tiếng vọng tâm hồn
Tìm trăng đô thị
Tình và gió
Tình viễn khơi
Trăm năm hạnh phúc
Trăng khuya (Xuân Tiên & Y Vân)
Trên kiếp hoa
Trung Thu
Vần thương
Về dưới mái nhà (Xuân Tiên & Y Vân)
Xa quê hương (Xuân Tiên & Đan Thọ)
Xuân muôn thuở
Xuân qua
Xuân tự do

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét